Ngày đăng: 22/03/2012 | Lượt xem: 7752
Để thiết kế một buổi gặp gỡ giữa nhà văn với độc giả, nhân viên PR sách phải mất nhiều công sức - Ảnh: Ngọc Bi
Cùng với hoạt động xuất bản khá sôi nổi và số lượng sách in ngày càng nhiều, các đơn vị xuất bản tư nhân đua nhau tuyển nhân viên truyền thông (hay còn gọi là nhân viên PR sách). Nhiều bạn trẻ háo hức thử sức với nghề mới.
Khá nhiều bạn trẻ cứ nghĩ đơn giản rằng làm PR sách rất dễ, chỉ là có sách mới ra thì cung cấp nội dung sách cho báo chí và gửi sách tặng là xong. Tuy nhiên, mọi chuyện không đơn giản đến vậy. Nhiều nhân viên PR sách non trẻ đã tỏ ra rất lúng túng, không biết trả lời ra sao khi nhận được điện thoại của các nhà báo hỏi thêm thông tin về cuốn sách hoặc bị căn vặn về một chi tiết bất hợp lý nào đó trong phần nội dung đã gửi. Không ít bạn đã bị “quê độ” khi gặp gỡ cánh báo chí sắc sảo... Bị vấp phải tình trạng này do trước khi vào làm việc, các bạn trẻ chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về nghề PR sách.
Trong tình hình các đơn vị xuất bản gia tăng số lượng sách tung ra thị trường như hiện nay, việc thành lập riêng một nhóm nhân viên PR sách là cần thiết. Với mục đích cung cấp kịp thời mọi thông tin ra bên ngoài (cho cả giới truyền thông lẫn độc giả), nhân viên PR sách phải tự tóm tắt nội dung cùng các thông tin quan trọng liên quan tới cuốn sách cần giới thiệu để gửi thông cáo báo chí cho các báo. Tuy nhiên nội dung tóm tắt này hay đến đâu, có đủ sức thuyết phục các phóng viên chịu giới thiệu sách lại là một vấn đề khác. Nhân viên PR sách không chỉ đơn thuần liên lạc với các phóng viên báo đài qua e-mail, gửi sách tặng kịp thời khi vừa xuất bản, mà còn nên thường xuyên gặp gỡ trao đổi với các phóng viên phụ trách mảng sách để cập nhật thêm thông tin cho cả hai phía.
Việc tổ chức các event, sự kiện quảng bá sách cũng đòi hỏi nhân viên PR sách đầu tư nhiều chất xám và óc sáng tạo. Phải căn cứ vào nội dung và loại hình của sách để định hình ra cách thức tổ chức event như thế nào cho phù hợp. Ngoài việc lên nội dung họp báo, lên kịch bản họp, mời phóng viên, khách mời có liên quan, phần PR sách cũng phải đặc biệt chú trọng tới thông điệp mà buổi event đó muốn gửi tới báo giới. Nhiều cuộc họp báo giới thiệu sách từng tổ chức chưa thực hiện được điều này mà khá đơn điệu theo công thức: giới thiệu qua nội dung sách, một vài nhà phê bình nhận xét và các phóng viên đặt câu hỏi. Ngoài event này, nhân viên PR sách còn phải phụ trách cập nhật thông tin sách lên các trang web, blog của các công ty sách kịp thời và thường xuyên.
Người làm PR sách không chỉ đòi hỏi phải có trình độ đại học, kiến thức phong phú, khả năng viết tiếng Việt tốt, diễn đạt lưu loát, phản ứng nhanh nhẹn, giỏi giao tiếp ứng xử mà còn phải có óc sáng tạo truyền thông để tạo nên các event sự kiện, quảng bá cho sách. Ngoài ra là trình độ thẩm mỹ, năng khiếu nghệ thuật, khả năng làm MC, sự tự tin và khả năng lèo lái, xử lý tình huống, thông thạo ngoại ngữ, quan hệ rộng với các ngành khác... Lương trung bình: 2,5 - 4 triệu đồng/tháng/nhân viên PR sách, 5 - 7 triệu đồng/tháng/trưởng phòng PR sách.
Ngọc Bi (Theo TN ra ngày 20/5/2009)
Tags: